Hương vị tinh tế và tinh tuý của món rượu Sake được mệnh danh là "quốc tửu" của Nhật Bản chắc chắn sẽ làm bạn ấn tượng và nhớ mãi. Food City Việt Nam tự hào đem đến cho bạn những sự lựa chọn chất lượng và hoàn hảo nhất từ sản phẩm cho đến hương vị tinh hoa của đa dạng các loại rượu Sake khác nhau với mong muốn bạn có được sự trải nghiệm ẩm thực cao cấp và dịch vụ mua hàng tuyệt vời nhất.
Rượu sake - Hương vị từ xứ sở Mặt Trời Mọc
Khi nhắc đến Nhật Bản, ngoài Samurai, núi Phú Sĩ hay những bộ phim hoạt hình thì rượu sake cũng là một trong những sản phẩm được nhiều người biết đến. Đi cùng chiều dài lịch sử của Nhật Bản, rượu Sake đã trở thành một nét văn hóa, một biểu tượng không thể tách rời với đất nước Mặt Trời Mọc.
I. Tìm hiểu về rượu sake
1. Rượu Sake là gì?
Rượu Sake thường được biết đến là một loại rượu nổi tiếng được lên men từ gạo và được mệnh danh là “quốc tửu” của xứ sở Mặt Trời mọc. Ở Nhật, người ta thường gọi rượu Sake là “Nihonshu” có nghĩa là “Rượu Nhật Bản” hay có thể gọi là “Seishu”.
Bình nihonshu truyền thống
Đây là loại thức uống có cồn được lên men từ 3 nguyên liệu chính là: gạo, nước và men koji, không phải trải qua quá trình chưng cất như Whisky, Vodka,... nhưng lại có quá trình lên men tương tự như bia, chỉ khác ở chỗ là bia thì dùng mạch nha để chuyển hóa tinh bột thành đường, còn sake sẽ sử dụng một loại men gốc đặc biệt để thực hiện.
Cũng nhờ phương pháp độc đáo này mà loại thức uống này có nồng độ cồn không quá cao và hương vị rất dễ chịu đối với những người ít tiếp xúc với đồ uống có cồn nhưng vẫn muốn thử và góp vui cho bữa tiệc.
2. Đôi nét về lịch sử và ý nghĩa của rượu Sake
Rượu sake Nhật được sản xuất tại xứ Phù Tang từ những ngày đầu trong lịch sử của quốc gia này. Ban đầu, loại thức uống này chỉ được sử dụng cho hoàng gia, nhưng trải qua quá trình phát triển lâu dài, rượu sake ngày càng phổ biến trong dân chúng và trở thành thành phần không thể thiếu trong các nghi lễ tôn giáo tại Nhật Bản.
Ngoài ra, rượu Sake còn có ý nghĩa như một cầu nối, bắt đầu một mối quan hệ mới giữa con người với nhau. Thông thường ở Nhật Bản thì cô dâu và chú rể sẽ chia nhau cùng uống chung 3 ly rượu Sake để đánh dấu mối quan hệ phu thê, hoặc những người có tầng lớp địa vị xã hội khác nhau chỉ cần ngồi vào bàn cùng uống và rót rượu Sake cho nhau là sẽ trở nên bình đẳng như nhau.
Rượu sake giúp kết nối mọi người
II. Quy trình sản xuất rượu sake
Khác với các loại rượu thông thường, rượu sake được sản xuất theo quy trình giống như sản xuất bia và phải trải qua 12 công đoạn chế biến công phu khác nhau thì mới cho ra được những chai rượu Sake thơm ngon nhất.
1. Thu hoạch gạo
Loại gạo được sử dụng để sản xuất rượu sake có hạt sẽ to hơn so với các loại gạo chúng ta sử dụng ăn hàng ngày. Vì chúng ta sẽ chỉ sử dụng lõi gạo để làm rượu nên gạo có tỷ lệ lõi càng lớn thì sake làm ra sẽ càng ngon.
2. Xay trắng gạo (Seimai)
Phần vỏ trấu và lớp gạo bên ngoài chứa nhiều protein và chất béo sẽ khiến sake mất đi mùi và hương vị nên ta sẽ phải loại bỏ chúng bằng cách mài đi lớp gạo bên ngoài. Gạo càng được mài trắng sẽ giúp rượu Sake có hương vị càng ngon và thơm hơn. Tuy nhiên, một số loại gạo ngoại trừ Ginjo và Daiginjo, nếu bị xát trắng quá mức sẽ làm mất đi hương vị độc đáo của Sake.
Quá trình làm sạch gạo
3. Làm sạch gạo
Sau khi xong bước xay trắng gạo, người ta sẽ làm sạch lớp bụi bám bên ngoài gạo bằng cách bỏ vào máy để rửa sạch đối với loại gạo thường, làm sạch bằng tay với loại gạo cao cấp Ginjo và Daiginjo. Ở giai đoạn này, gạo đã bắt đầu hấp thụ nước và có thể nói đây là giai đoạn “xay trắng gạo lần thứ 2” nên bạn sẽ phải cực kỳ cẩn thận.
Rửa sạch gạo bằng nước
4. Ngâm gạo
Để khi nấu, cơm sẽ chín đều thì người ta sẽ tiến hành ngâm gạo trong nước. Thời gian ngâm gạo sẽ phụ thuộc vào từng loại gạo, độ mài gạo, hương vị sake mong muốn, thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm,...
Ngâm gạo trong các thùng gỗ
5. Nấu thành cơm
Ngâm xong người ta sẽ đem gạo đi nấu chín thành cơm trong 1 giờ đồng hồ, giúp cho quá trình tạo nấm Koji chuyển hóa tinh bột thành đường (glucose) trở nên dễ dàng hơn. Thông thường, cơm nấu đạt chuẩn với lớp ngoài cứng và lõi trong mềm thì sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nấm Koji phát triển.
Nấu gạo thành cơm
6. Tạo nấm Koji
Mầm nấm Koji được rắc đều và hòa trộn với cơm đã nấu chín. Sau quá trình này, hỗn hợp sẽ được giữ trong điều kiện nhiệt độ khoảng 30 độ C và độ ẩm khoảng 60% từ 2 - 3 ngày để nấm nảy mầm và chuyển hóa lượng tinh bột còn sót lại thành đường (glucose).
Tạo nấm men Koji
7. Tạo nấm men Shubo
Shubo được tạo ra bằng cách trộn hỗn hợp gạo hấp và nấm koji đã lên men cùng với nước và men rượu cao cấp. Hỗn hợp này được cho vào những thùng nhỏ để lên men từ 2 tuần đến 1 tháng tạo ra một lượng lớn men mồi cho công đoạn sau.
8. Tạo Moromi (Mẻ rượu chính & lên men)
Shubo được cho vào những thùng chứa lớn và được bổ sung nước, cơm cùng nấm men koji để lên men và tạo thành hỗn hợp lỏng màu trắng đục gọi là “moromi”. Trong quá trình lên men từ 3 - 4 tuần, các enzyme có trong koji sẽ phân tách tinh bột thành đường glucose, đường glucose lại được phân tách thành cồn và khí CO2 bởi những loại men khác. Quá trình “lên men kép” này khiến cho rượu sake có nồng độ tương đối cao từ 17% - 20%.
Công nhân tiến hành khuấy trộn miromi
9. Ép lấy rượu sake
Sau khi moromi đạt được chất lượng nhất định, các nghệ nhân tiến hành ép và tách phần hỗn hợp moromi. Phần chất lỏng thu được trong quá trình này chính là rượu sake. Phần bã moromi sẽ được sử dụng để nấu ăn hoặc rửa rau quả.
Quá trình ép lấy rượu Sake
10. Lọc và khử trùng
Rượu sake sẽ trải qua quá trình lọc và khử trùng nghiêm ngặt để loại bỏ hết những tạp chất và vi khuẩn có hại và chuyển rượu từ màu trắng đục sang trong suốt. Tuy nhiên cũng có loại sake không trải qua quá trình lọc cặn và có màu trắng đục thì được gọi là Nigori Sake.
Quá trình khử trùng rượu
11. Trưởng thành rượu Sake
Sau đó, sản phẩm sẽ được chứa trong những thùng chứa lớn trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để ổn định các thành phần và hương vị có trong thành phẩm. Thông thường sake sẽ được lên men vào mùa đông và trưởng thành từ mùa xuân đến mùa hạ và cho đến mùa thu năm sau thì đã có thể xuất xưởng để bán.
12. Pha loãng
Thành phẩm sau khi trưởng thành thường sẽ có độ cồn khoảng 17% - 20%, sau đó sẽ được pha loãng để đạt được nồng độ cồn từ 15% - 16% và tiến hành đóng chai.
Kiểm tra chất lượng rượu sake trước khi đóng chai
III. Phân biệt các loại rượu Sake
Dựa vào tỷ lệ đánh bóng gạo, người ta có thể chia nihonshu thành nhiều loại với những hương vị khác nhau.
Loại rượu
|
Tỷ lệ mài/đánh bóng gạo
|
Hương vị
|
Daiginjo
|
Ít nhất từ 35% - 50%
|
Hương trái cây tự nhiên, thảo mộc, gỗ, vị ngọt dễ uống
|
Ginjo
|
Ít nhất 50% - 60%
|
Hương gạo, trái cây nhiệt đới, hoa, vị ngọt, chua tự nhiên
|
Junmai/Honjozo
|
Ít nhất từ 60% - 65%
|
Hương trái cây nhiệt đới, vị cay nồng đặc trưng
|
Futsushu
|
Ít nhất 70%
|
Hương thơm nhẹ từ gạo, vị nhẹ nhàng dễ uống
|
- Phân loại rượu sake
Các loại nihonshu phổ biến có thể kể đến là:
+ Daiginjo: là sản phẩm cao cấp nhất, được làm từ gạo có tỷ lệ mài/đánh bóng ít nhất 35% - 50% và sản xuất tỉ mỉ tuân theo những quy định nghiêm ngặt.
+ Ginjo: được sản xuất từ gạo có tỷ lệ mài/đánh bóng ít nhất 50% - 60% và được thêm một số hương liệu để tạo nên hương vị độc đáo hơn.
+ Junmai/Honjozo: được sản xuất từ gạo có tỷ lệ mài/đánh bóng ít nhất 60% - 65% và chỉ được lên men từ gạo, koji và nước tinh khiết.
+ Futsushu: là sản phẩm phổ thông được lên men từ loại gạo có tỷ lệ mài/đánh bóng ít nhất 70%.
Ngoài ra, rượu sake còn bao gồm nhiều loại khác như nigori có màu trắng đục, là rượu sake không trải qua quá trình lọc, ume shu,...
Các tỷ lệ mài/đánh bóng gạo thường thấy
- Hương vị của các loại sake
Rượu sake được tạo nên từ những hương thơm đặc trưng như hương trái cây nhiệt đới, gạo, gỗ và thảo mộc. Các loại rượu sake khá dễ uống vì có vị ngọt nhẹ, cay nồng nhưng không gắt. Các sản phẩm Daiginjo và Ginjo sẽ sở hữu nhiều tầng vị hơn, đòi hỏi người uống phải tập trung cảm nhận nhiều hơn.
IV. Cách thưởng thức rượu sake
Nếu bạn chưa biết cách thưởng thức rượu sake như thế nào cho tinh tế và cảm nhận được toàn bộ tinh hoa của món thức uống này, thì dưới đây là 4 cách uống thông dụng của người Nhật mà bạn có thể tham khảo:
- Thưởng thức rượu sake ướp lạnh
Đây là phương pháp phổ biến nhất để thưởng thức rượu sake. Nhiệt độ lý tưởng để thưởng thức là từ 5 - 10 độ C. Người uống thường ngâm nihonshu vào đá lạnh hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh 30 phút trước khi uống để đạt được nhiệt độ mong muốn.
Ướp lạnh nihonshu bằng đá
- Thưởng thức rượu sake nóng
Hâm nóng loại thức uống trên ở nhiệt độ từ 35 - 40 độ C sẽ phá vỡ cấu trúc của một số chất hóa học có trong rượu, từ đó tạo nên hương vị độc đáo và đa dạng hơn.
Cách hâm nóng sake
- Thưởng thức rượu sake ở nhiệt độ phòng
Cách nhanh và cơ bản nhất để thưởng thức loại thức uống trên chính là thưởng thức ở nhiệt độ phòng từ 15 - 20 độ C. Ở điều kiện này, người uống sẽ cảm nhận được những hương vị nguyên bản nhất của sản phẩm.
Cách thưởng thức nihonshu ở nhiệt độ phòng
- Thưởng thức rượu sake với đá
Ngoài ra, rượu sake cũng có thể thưởng thức chung với đá lạnh như vodka hoặc whisky cũng như pha cùng soda và các loại rượu khác để tạo nên những loại cocktail.
Uống sake với đá
V. Cách bảo quản rượu sake
Nên bảo quản rượu sake ở những nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời để tránh làm biến đổi thành phần và hương vị của sản phẩm. Nếu khi sử dụng không hết, bạn nên đóng chặt nắp và bảo quản chai trong tủ lạnh để có thể sử dụng lại cho lần sau.
VI. Địa chỉ mua rượu sake uy tín tại thành phố Hồ Chí Minh
Nếu bạn đang mong muốn có một bữa tiệc rượu ngoại mới lạ thì hãy đến với Food City. Đây là địa điểm hứa hẹn mang đến cho bạn những sản phẩm rượu Nhật, rượu vang và rượu ngoại chất lượng và uy tín nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại Food City bạn có thể trải nghiệm mua hàng trực tiếp offline tại cửa hàng hoặc online với những chính sách ưu đãi hấp dẫn và giao hàng nhanh chóng.
📞 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0971775747 – Hỗ trợ KHDN: 0964477647
Trên đây là những kiến thức cơ bản về rượu Sake của đất nước xứ sở “Mặt Trời Mọc” mà Food City có thể đem đến cho bạn. Hy vọng với một chút thông tin này có thể giúp bạn hiểu hơn về loại rượu Sake Nhật để có thể chọn lựa loại phù hợp với mình và thưởng thức được trọn hương vị của món thức uống này. Nếu bạn thấy bài viết hay thì hãy share cho mọi người cùng đọc nhé!